Rối loạn cư xử là gì?
Rối loạn cư xử là thuật ngữ đề cập đến một dạng rối loạn tâm thần gặp ở trẻ em và người dưới 18 tuổi với triệu chứng đặc trưng là cách cư xử và hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác hoặc vi phạm quy tắc trong gia đình, nhà trường và luật pháp. Các hành vi này có tính chất lặp đi lặp lại, dai dẳng và kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Rối loạn cư xử còn được biết đến với tên gọi là rối loạn hành vi.
Tỷ lệ trẻ mắc chứng rối loạn cư xử chiếm khoảng 6 – 10% và có sự chênh lệch tùy theo vùng lãnh thổ/ quốc gia. Đa phần các biểu hiện của bệnh đều khởi phát từ thời thơ ấu hoặc giai đoạn đầu của vị thành niên (khoảng 10 – 12 tuổi). Tương tự rối loạn thách thức chống đối, rối loạn cư xử gặp nhiều hơn ở nam giới.
Rối loạn cư xử được xem là nguồn cơn của nhiều rối loạn tâm thần khi trưởng thành. Do đó, gia đình cần phải quan tâm đến hành vi, cách cư xử, cảm xúc và nhận thức của trẻ. Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và điều trị. Ngoài những ảnh hưởng lâu dài, chứng bệnh này cũng khiến cho quá trình học tập của trẻ bị gián đoạn, chậm phát triển tư duy, kỹ năng, kinh nghiệm sống,…
Dấu hiệu nhận biết rối loạn cư xử
Đặc điểm chính của người bị rối loạn cư xử là các hành vi không ổn định, thường thiếu lương tâm, hung hăng, tàn bạo với mục đích thỏa mãn bản thân mặc cho ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và thể chất của người khác. Trẻ mắc bệnh lý này còn thể hiện rõ sự thờ ơ, lãnh đạm với cảm xúc của những người xung quanh, không biết chia sẻ, đồng cảm và không bao giờ hối hận về những hành vi của bản thân.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn cư xử:
- Thiếu sự nhạy cảm về cảm xúc của người khác và dễ hiểu lầm hành vi, lời nói của người khác mang tính chất đe dọa.
- Người bị rối loạn cư xử thường có các hành vi hung hăng, thiếu lương tâm như đánh đập, đe dọa, bắt nạt bạn bè. Thậm chí có thể sử dụng vũ khí để gây thương tích người khác.
- Trẻ trong độ tuổi vị thành niên có thể nảy sinh hành vi cưỡng ép người khác phải thực hiện hoạt động tình dục với bản thân
- Thường xuyên nói dối để bỡn cợt người khác, từ chối trách nhiệm/ nghĩa vụ hoặc nói dối để đạt được mục đích.
- Có hành vi trộm cắp (có thể đối đầu hoặc không) thường là trấn lột tiền bạc, cướp các món đồ của bạn bè,…
- Một số trẻ có hành vi hung hăng, ngược đãi động vật
- Phá hủy tài sản bằng cách đốt, xé, vẽ bậy lên trường nhà và đập phá (có thể là đồ dùng của bản thân hoặc người khác)
- Thường xuyên vi phạm các quy tắc được bố mẹ đặt ra như trốn học, rời khỏi nhà mặc cho gia đình ngăn cấm, bỏ nhà ra đi trong một thời gian dài,…
- Trong nhà trường, trẻ hay vi phạm quy định, thường xuyên cãi lại lời thầy cô, không tập trung khi học tập, không làm bài tập về nhà, thường xuyên trốn tiết và dụ dỗ bạn bè thực hiện hành vi sai trái.
- Cảm xúc bất ổn, thường là dễ nóng nảy, tức giận và cảnh giác cao độ với tất cả mọi người.
- Nhận thấy rõ sự thờ ơ của trẻ trước nỗi đau của động vật, con người. Các hành vi mà trẻ thực hiện đều với mục đích gia tăng vật chất và quyền hành của bản thân.
Thống kê cho thấy, nam giới mắc chứng rối loạn cư xử thường có hành vi phá hoại, ăn cắp và gây hấn đánh nhau. Trong khi đó, nữ giới thường quan hệ tình dục sớm, có thể tham gia vào hoạt động mại dâm, hay nói dối và bỏ nhà đi. Các triệu chứng rối loạn cư xử ở trẻ em có mức độ nhẹ và số lượng ít hơn so với thanh thiếu niên.
Nguyên nhân gây rối loạn cư xử
Tương tự các rối loạn tâm thần khác, rối loạn cư xử là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa yếu tố môi trường và di truyền/ sinh học – thần kinh. Trong đó, nguy cơ cao hơn ở trẻ sinh sống tại những khu vực có an ninh bất ổn, thường xuyên xảy ra bạo lực, tệ nạn xã hội, đời sống nghèo đói và dân trí thấp.
Các yếu tố được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn cư xử:
- Yếu tố di truyền: Rối loạn cư xử có khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Giả thuyết này đã được chứng minh thông qua điều tra dịch tễ. Các nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bố hoặc mẹ bị rối loạn hành vi (dưới 18 tuổi) hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội (trên 18 tuổi). Ngoài ra, nguy cơ cũng tăng lên nếu anh chị em ruột đã được chẩn đoán mắc chứng bệnh này.
- Tác động từ gia đình: Ngoài yếu tố di truyền, rối loạn cư xử cũng có liên quan đến sức khỏe tâm thần và cách giáo dục của bố mẹ. Các chuyên gia nhận thấy, trẻ em mắc chứng bệnh này thường có bố mẹ nghiện rượu bia, lạm dụng chất, mắc các vấn đề tâm thần, cách giáo dục quá hà khắc, thiếu nhất quán hoặc bố mẹ hoàn toàn không quan đến con cái. Ngoài ra, bố mẹ hay xung đột, bạo lực cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn cư xử ở trẻ em và thanh thiếu niên.
- Ảnh hưởng từ bạn bè: Trong độ tuổi từ 12 – 18 tuổi, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, tính cách và hành vi của bạn bè. Nếu kết bạn với nhóm bạn xấu, thường xuyên có các hành vi hung hăng, bắt nạt người khác, trẻ sẽ dần hình thành cách suy nghĩ và hành vi tương tự. Đây cũng là lý do gia đình và nhà trường cần hợp tác chặt chẽ để đảm bảo trẻ được sống và học tập trong môi trường lành mạnh nhất.
- Tổn thương não bộ: Tổn thương não bộ là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn cư xử. Tổn thương não thường xảy ra do biến chứng chu sinh, nhiễm kim loại nặng, bị chấn thương não bộ hoặc viêm não từ thời thơ ấu. Ngoài ra, cấu trúc và hoạt động của các cơ quan bên trong não bộ ở trẻ bị rối loạn cư xử cũng có sự khác biệt so với người bình thường. Điều này lý giải vì sao trẻ hầu như không biết sợ hãi, thờ ơ, lãnh đạm và vô cảm với nỗi đau của người khác.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những nguyên nhân trên, rối loạn cư xử ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể xảy ra do một số yếu tố nguy cơ khác như mắc các rối loạn phát triển thần kinh (rối loạn tăng động giảm chú ý, bệnh tự kỷ), bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, từng bị ngược đãi/ lạm dụng tình dục, thể chất hoặc bị bỏ rơi khi còn nhỏ.
Ảnh hưởng của rối loạn cư xử
Rối loạn cư xử là tình trạng khá phổ biến ở người dưới 18 tuổi. Thực tế, biểu hiện của bệnh lý này tương đối đa dạng và có sự khác biệt rõ rệt ở từng trẻ. Với những trẻ có biểu hiện nhẹ, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện sau khi can thiệp điều trị và bố mẹ thay đổi cách giáo dục phù hợp.
Tuy nhiên, không ít trẻ có các biểu hiện rối loạn hành vi rất nghiêm trọng (thường là trong lứa tuổi thanh thiếu niên). Các hành vi này thể hiện rõ tính thiếu lương tâm, hung bạo, tàn ác, lãnh đạm và vô cảm trước nỗi đau của người khác. Đa phần trẻ có những biểu hiện này đều thiếu tình thương từ gia đình, chứng kiến cảnh bạo lực và xung đột thường xuyên. Những trường hợp này thường gặp khó khăn trong điều trị vì không nhận được sự nâng đỡ từ gia đình.
Phần lớn trẻ bị rối loạn cư xử đều gặp nhiều trở ngại khi học tập, chỉ số IQ thấp, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống. Nếu không được điều trị và trang bị những kỹ năng cần thiết, trẻ sẽ phát triển dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, thất nghiệp, tham gia tệ nạn xã hội và trở thành mối nguy hại của cộng đồng.
Vì không có sự đồng cảm và thấu hiểu với nỗi đau của người khác nên các hành vi bất thường của trẻ sẽ tăng dần lên khi trưởng thành. Nếu không điều trị dứt điểm trước 18 tuổi, trẻ sẽ hình thành nhân cách méo mó và có khả năng phạm tội cao. Thống kê từ các trại giam cho thấy, khoảng 75% tù nhân đều có biểu hiện rối loạn cư xử từ thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Ngoài ra, trẻ mắc chứng bệnh này cũng có thể nảy sinh ý nghĩ, hành vi tự tử – nhất là khi đi kèm với các rối loạn tâm thần khác.
Chẩn đoán và biện pháp khắc phục rối loạn cư xử
Rối loạn cư xử được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Hiện nay, các bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn ICD-10 hoặc DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành phân biệt với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự như rối loạn thách thức chống đối, tăng động giảm chú ý, giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực,…
Rối loạn cư xử thường được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu. Vì tình trạng này xảy ra ở người dưới 18 tuổi nên các phương pháp điều trị sẽ được thực hiện song song với phương pháp giáo dục phù hợp nhằm điều chỉnh nhận thức, suy nghĩ méo mó và giúp trẻ phát triển nhân cách một cách bình thường.
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc được cân nhắc khi trẻ có các hành vi hung hăng, tàn bạo đe dọa đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, dùng thuốc cũng giúp cải thiện một số triệu chứng trầm cảm, lo âu, hưng cảm,… ở trẻ và thanh thiếu niên.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn cư xử bao gồm:
- Thuốc ổn định khí sắc
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
- Thuốc chống loạn thần không điển hình (đặc biệt là Risperidone)
- Một số viên uống bổ sung tốt cho trí não và hệ thần kinh trung ương
Sử dụng thuốc cho trẻ em và thanh thiếu niên thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác dụng ngoại ý. Do đó, các bác sĩ sẽ xem xét và đánh kỹ nguy cơ – lợi ích trước khi chỉ định. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần được hướng dẫn cách phát hiện và xử trí kịp thời các tác dụng phụ có mức độ nặng trong thời gian cho trẻ dùng thuốc.
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là biện pháp quan trọng và được áp dụng với hầu hết trẻ có biểu hiện rối loạn cư xử. Phương pháp này được thực hiện thông qua hình thức giao tiếp, có thể là giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ (cử chỉ, ánh mắt, biểu cảm khuôn mặt, cơ thể).
Với trị liệu cá nhân, trẻ sẽ được áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi để hiểu rõ những hành vi, cách cư xử và cảm xúc của bản thân là không phù hợp. Từ đó, điều chỉnh cảm xúc và hành vi phù hợp hơn với tiêu chuẩn xã hội. Liệu pháp này mang lại hiệu quả cao ở trẻ từ 6 – 16 tuổi. Với trẻ gần 18 tuổi, nhận thức thường cứng nhắc nên khó thay đổi hơn và đôi khi có phản ứng chống đối với nhà trị liệu.
Ngoài trị liệu tâm lý cá nhân, người bị rối loạn cư xử cũng sẽ được trị liệu gia đình và trị liệu theo nhóm để giải quyết mâu thuẫn và xung đột một cách ôn hòa. Điều này sẽ tạo cho trẻ môi trường sống và học tập lành mạnh, hạn chế tối đa các hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, trị liệu gia đình còn giúp bố mẹ và người thân hiểu hơn về con cái, từ đó có cách giáo dục phù hợp thay vì la mắng và đánh đập khi trẻ phạm phải sai lầm.
3. Thay đổi môi trường giáo dục
Rất ít trẻ bị rối loạn cư xử có thể học tập được trong môi trường bình thường. Cách giáo dục cứng nhắc, khuôn khổ có thể kích thích phản ứng chống đối, đồng thời khiến trẻ thường xuyên trốn học và giữ thái độ thù địch với bạn bè, thầy cô. Vì vậy, gia đình nên cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt.
Các trung tâm giáo dục đặc biệt là nơi tiếp nhận trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi và trẻ mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần khác. Các thầy cô tại đây đều đã được huấn luyện về tâm lý giáo dục nên sẽ có phương pháp giảng dạy phù hợp, kích thích khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ thay vì giảng dạy theo lối mòn. Nhờ hiểu rõ về tâm lý của trẻ nên các thầy cô tại trung tâm sẽ có biện pháp uốn nắn phù hợp thay vì đánh đập hay chỉ trích trẻ trước mặt tập thể với những từ ngữ nặng nề.
Với những trẻ bị rối loạn cư xử có khả năng học tập kém do chậm phát triển nhận thức và chỉ số IQ kém, nhà trường còn tổ chức các khóa học thủ công, nông nghiệp, dệt may,… để trẻ nâng cao giá trị bản thân và có thể cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần nhất quán cách giáo dục con cái, học cách lắng nghe, chia sẻ nguyện vọng và suy nghĩ của trẻ. Với những hành vi sai trái, nên khuyên nhủ trẻ nhẹ nhàng nhưng vẫn thể hiện được sự nghiêm khắc.
Rối loạn cư xử là vấn đề tâm lý khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây được xem là nguồn cơn của nhiều rối loạn tâm thần và là yếu tố gia tăng nguy phạm tội, tham gia tệ nạn xã hội, thất nghiệp trong tương lai. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm đến tâm lý của trẻ, đặc biệt là với trẻ thường có các hành vi vi phạm quy tắc.