Bạo hành tinh thần ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của con trẻ?
Bạo hành tinh thần là một dạng bạo hành mà nạn nhân phải hứng chịu những hành vi, lời nói gây tổn thương tâm lý sâu sắc. Tương tự như bạo lực thể xác, nạn nhân của dạng bạo hành này cũng phải đối mặt với nỗi đau dai dẳng và hàng loạt những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, bi quan, tuyệt vọng, lo lắng, chán nản,… Với trẻ em, bạo hành tinh thần còn tác động nhiều đến tâm lý và quá trình hình thành nhân cách.
Bạo hành tinh thần không gây ra dấu vết và thương tổn cụ thể nên rất khó để có thể phát hiện ra dạng bạo hành này. Bạo hành tinh thần có thể xảy ra trong bất cứ mối quan hệ nào như bố – mẹ, thầy cô – học sinh hoặc giữa các trẻ với nhau. Nếu tình trạng không được cải thiện kịp thời, trẻ phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý.
Để hiểu rõ hơn bạo hành tinh thần ảnh hưởng thế nào đến tâm lý trẻ, bạn đọc có thể tham khảo nội dung sau:
1. Trẻ tự ti, nhút nhát
Những lời nói cay độc, chì chiết từ kẻ bạo hành sẽ khiến trẻ dần trở nên tự ti, nhút nhát và không tin tưởng vào bản thân. Trước uy quyền của kẻ bạo hành, trẻ cảm thấy bản thân nhỏ bé, yếu kém và vô dụng. Về lâu dài, tính cách này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập và tương lai của con trẻ.
Ngoài ra, trẻ còn có xu hướng sống thu mình và tách biệt với những người xung quanh. Thay vì vui chơi cùng với bạn bè, trẻ dành thời gian để ở một mình và sợ tiếp xúc với người khác. Trong trường hợp cha mẹ bạo hành tinh thần con cái, trẻ sẽ tự nhốt mình trong phòng và chỉ ra ngoài khi cần thiết như ăn uống, đi học, lấy các vật dụng,…
Tình trạng trẻ nhút nhát, tự ti khi bị bạo hành tinh thần gặp nhiều ở trẻ mầm non và tiểu học. Trẻ khi bước vào độ tuổi dậy thì sẽ nhạy cảm hơn nên thường hình thành tâm lý chống đối, phản kháng thay vì thu mình. Tuy nhiên, diễn biến tâm lý do bạo hành tâm lý cũng phụ thuộc nhiều vào tính cách và nội dung của những lời nói cay độc.
Chẳng hạn như bố mẹ thường xuyên chì chiết, trách móc con cái hư hỏng và yếu kém dù gia đình luôn cố gắng cho con học tập trong điều kiện tốt nhất. Những bậc phụ huynh này không hề quát mắng con nhưng luôn có những lời nói trách móc như vì con mà bố mẹ phải bỏ dở ước mơ hoặc những câu nói đại loại như vậy.
Trẻ từ 10 tuổi trở lên đã hiểu được nội dung sâu sắc của những câu nói này nên rất dễ hình thành tâm lý thiếu tự tin và luôn đặt cho bản thân áp lực học tập để làm bố mẹ vui lòng. Tuy nhiên, những bậc phụ huynh này lặp đi lặp lại lời nói khiến trẻ bị tổn thương và dần nhút nhát, sống tách biệt với những người xung quanh.
2. Gia tăng các hành vi bạo lực
Trái ngược lại với phản ứng sợ hãi, lo lắng và nhút nhát, trẻ có thể gia tăng các hành vi bạo lực nếu bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài. Khi bị bạo hành, trẻ sẽ nghĩ rằng, người có uy quyền có thể bắt nạt và chèn ép người yếu thế hơn bằng lời nói hoặc hành động. Chính vì vậy, trẻ sẽ có những lời nói cay độc tương tự như kẻ bạo hành với một số đối tượng khác (các học sinh cùng lớp có thể trạng yếu, gia đình nghèo khó hoặc có thể là em trái/ em gái ruột trong gia đình,…).
Nạn nhân của bạo hành tinh thần luôn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Dần dần những cảm xúc này chồng chất khiến cho tâm lý của trẻ trở nên phẫn uất và dễ bị kích động. Khi có sự việc xảy ra, trẻ dễ phát sinh lời nói cay nghiệt và những hành vi hung tính như gây hấn, đánh nhau với người khác và thậm chí có những hành vi độc ác, mất nhân tính với động vật.
Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, trẻ có thể gặp phải nhiều vấn đề trong trường hợp do tâm lý và hành vi lệch chuẩn. Trên thực tế, thầy cô, phụ huynh thường quy chụp những hành vi này của trẻ là do hư hỏng và rất ít người tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Tuy nhiên, những hình phạt do gia đình và nhà trường áp đặt lên trẻ lại khiến cho trẻ bị tổn thương nhiều hơn và mang trong mình sự thù hằn dai dẳng.
3. Tâm lý bất ổn và khó kiểm soát
Bản chất của bạo hành là gây tổn thương về mặt thể xác và tinh thần. Nếu trẻ phải đối mặt với bạo hành tinh thần trong một thời gian dài, tâm lý sẽ trở nên nặng nề, phẫn uất và khó kiểm soát. Lúc này, những cảm xúc tiêu cực chồng chất ngày qua ngày khiến cho tinh thần của trẻ bị giảm sút, trẻ luôn trong trạng thái u uất, trầm mặc và không cảm nhận được bất kỳ niềm vui nào trong cuộc sống.
Khác với người lớn, trẻ nhỏ còn thiếu kinh nghiệm sống nên chưa thể kiểm soát tâm lý và cảm xúc của bản thân. Chính vì vậy, bạo hành tinh thần có thể khiến tâm lý của trẻ bị bất ổn trong một thời gian dài. Nếu bạo hành tinh thần xảy ra ở ngoài phạm vi gia đình, bố mẹ có thể nhận thấy con có những biểu hiện khác thường như dễ nổi giận, cáu kỉnh, sống khép kín và ít nói.
4. Gây căng thẳng thần kinh
Căng thẳng thần kinh là tình trạng trẻ phải đối mặt khi bị bạo hành tinh thần. Trẻ em không có nhiều mối quan hệ như người lớn. Cuộc sống của trẻ chỉ xoay quanh gia đình, bạn bè và thầy cô. Nếu những mối quan hệ này mang đến cho trẻ sự tiêu cực, trẻ rất dễ bị căng thẳng thần kinh. Hơn nữa, vì trẻ chưa đủ hiểu biết để nhận thức sâu sắc về việc bản thân là nạn nhân của bạo hành nên không tìm cách chia sẻ với người khác.
Về lâu dài, những cảm xúc tiêu cực dồn nén khiến bản thân trẻ bị áp lực và căng thẳng. Biểu hiện là trẻ trở nên ít nói, hay lo lắng và bất an. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng học tập và các mối quan hệ của trẻ. Thông thường, những trẻ bị bạo hành tinh thần khó đạt được kết quả cao trong học tập do tâm lý bất ổn và khó kiểm soát. Hơn nữa, nỗi sợ thường trực cũng khiến cho trẻ ngại kết bạn và tạo cho mình vỏ bọc để tránh bị tổn thương.
5. Gia tăng các vấn đề tâm lý ở trẻ em
Trong quá trình trưởng thành, bất cứ sự kiện nào xảy ra trong cuộc sống cũng đều ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình hình thành nhân cách của con trẻ. Bạo hành tinh thần kéo dài có thể khiến trẻ gặp phải các vấn đề tâm lý như:
- Rối loạn hành vi: Rối loạn hành vi là vấn đề tâm lý – tâm thần gặp chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên với tỷ lệ 3 – 8% dân số. Người mắc chứng bệnh này luôn có những hành vi hung hăng, xâm phạm nghiêm trọng về quyền lợi và thể chất của người khác. Trẻ bị bạo hành tinh thần lâu ngày có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao. Đây là vấn đề tâm lý nghiêm trọng cần được điều trị sớm để tránh những hậu quả lâu dài. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, rối loạn hành vi sẽ dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội – một dạng rối loạn nhân cách có mức độ nghiêm trọng và đa phần đều có tiên lượng xấu.
- Hội chứng Self-Harm: Hội chứng Self-Harm đặc trưng bởi tình trạng bệnh nhân có những hành vi tự hủy hoại (tự cào cấu, rạch tay, bứt tóc,…). Những hành vi này không gây ra đau đớn, ngược lại giúp người bệnh giải tỏa cảm xúc dồn nén và có cảm giác thoải mái trong một thời gian ngắn. Để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, bệnh nhân sẽ lặp đi lặp lại các hành vi này dẫn đến những vết sẹo chi chít trên cơ thể. Hội chứng Self-Harm thường xảy ra ở thanh thiếu niên bị bạo hành thể xác, tinh thần, gia đình giáo dục quá hà khắc, thiếu sự quan tâm từ bố mẹ,…
- Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu cũng là vấn đề tâm lý có thể gặp phải ở trẻ em bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá, vô lý kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Bạo hành tinh thần có thể gây ra một số dạng rối loạn lo âu như rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội và các ám ảnh sợ cụ thể khác.
- Trầm cảm: Trầm cảm là một dạng rối loạn khí sắc đặc trưng bởi sự giảm thấp của cảm xúc. Người mắc bệnh lý này thường trực nỗi buồn sâu sắc, tâm trạng chán nản, bi quan và giảm hoặc mất hứng thú với những sở thích trước đây. Hiện tại, nguyên nhân gây trầm cảm chưa được biết rõ nhưng thường có liên quan đến sang chấn tâm lý (bạo hành thể xác, tinh thần, lạm dụng tình dục, mất người thân,…).
- Rối loạn nhân cách: Bạo hành tinh thần ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ phải đối mặt với những lời nói đe dọa, chì chiết, trách móc, cay độc,… trong một thời gian dài dễ phát triển những dạng nhân cách bất thường như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn nhân cách né tránh,…
Bạo hành tinh thần ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của con trẻ. Ngoài ra, trẻ còn gặp phải những vấn đề về thể chất như chậm lớn, còi cọc, chậm phát triển chiều cao, gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, tiêu hóa, trí nhớ suy giảm, khả năng tiếp thu và tư duy kém.
Giúp trẻ vượt qua bạo hành tinh thần bằng cách nào?
Bạo hành tinh thần là một dạng bạo hành phổ biến. Vì khó phát hiện hơn bạo hành thể chất nên xã hội chỉ mới quan tâm đến dạng bạo hành này trong những năm gần đây. Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ chưa có hiểu biết sâu sắc nên có thể không biết rằng bản thân đang là nạn nhân của bạo hành.
Bạo hành tinh thần có thể xảy ra trong chính gia đình hoặc trong môi trường học đường. Vì vậy, trẻ rất cần sự quan tâm từ gia đình và thầy cô giáo. Thông qua những thay đổi bất thường về lời nói, hành vi và cảm xúc, người lớn có thể nhận biết được việc trẻ đang là nạn nhân của bạo hành tinh thần.
Nếu trẻ bị thầy cô/ bạn bè bạo hành bằng lời nói, bố mẹ nên động viên và trò chuyện với con nhằm nắm rõ tình hình. Sau đó, liên lạc với ban giám hiệu để tìm ra giải pháp phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, nên cho trẻ chuyển trường để đảm bảo con được học tập trong môi trường lành mạnh và lý tưởng nhất.
Trường hợp con bị chính ba mẹ bạo hành tinh thần khó xử lý hơn rất nhiều. Nếu thầy cô phát hiện, nên tìm cách trò chuyện với trẻ để hiểu rõ vấn đề. Việc trao đổi trực tiếp với bố mẹ của trẻ có thể không mang lại kết quả. Thậm chí sau cuộc trò chuyện, bố mẹ sẽ tiếp tục có những lời lẽ cay độc với con cái của chính mình. Vì vậy, nhà trường cần tìm ra giải pháp thấu đáo để giúp trẻ thoát khỏi tình trạng này. Trong trường hợp bất khả kháng, nên dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân khi sống chung với bố mẹ độc hại cho đến khi trẻ đủ tuổi và có thể tự lập.
Nếu những người thân khác trong gia đình phát hiện ra việc trẻ bị bố mẹ bạo hành, có thể nhận nuôi trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không đồng ý để con sống với ông bà hay những người thân khác. Nếu cần thiết, nên thu thập bằng chứng cho thấy việc trẻ đang bị bạo hành và liên lạc với cơ quan chức năng để sự việc được xử lý.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn vấn đề Bạo hành tinh thần ảnh hưởng thế nào đến tâm lý trẻ. Nếu nhận thấy con trẻ có những biểu hiện bất thường, nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa thay vì trách phạt và quy chụp trẻ hư hỏng. Bởi rất có thể, trẻ đang là nạn nhân của bạo hành tinh thần và kẻ bạo hành là những người thân thiết ở ngay bên cạnh.