1.Phương pháp STEAM là gì?
Phương pháp STEAM là phương pháp giáo dục tích hợp đủ 5 lĩnh vực bao gồm Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Math (Toán học) để trang bị cho trẻ đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 lĩnh vực này.
STEAM kích thích sự tò mò của trẻ về thế giới xung quanh, khuyến khích trẻ chủ động sáng tạo để tìm tòi và giải quyết các vấn đề gặp phải. Mỗi bài học trong chương trình là các tình huống thực tế để trẻ vận dụng kiến thức đã học giải quyết vấn đề trong cuộc sống đồng thời rèn luyện và phát triển các kỹ năng quan trọng.
Cách đánh giá học sinh theo phương pháp này sẽ dựa trên cả quá trình học tập không giống như cách đánh giá truyền thống bằng điểm số cuối học kỳ. Vì vậy với phương pháp giáo dục STEAM trẻ sẽ không bị tạo áp lực trong quá trình học, được tạo điều kiện để tập trung vào các hoạt động trải nghiệm thực hành từ đó tìm thấy hứng thú và niềm đam mê từ việc học.
2. Đặc điểm của phương pháp steam trong giáo dục mầm non
Phương pháp Steam trong giáo dục mầm non có những đặc điểm sau đây:
- Giáo dục STEAM là mô hình giáo dục kết hợp nhiều lĩnh vực với nhau và giữa chúng có sự liên kết, bổ trợ cho nhau.
- Tập trung cho trẻ hướng đến các hoạt động trải nghiệm mang tính thực tiễn hơn là chú trọng vào lý thuyết. Trẻ được khám phá và thực hành vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Chính vì vậy giáo dục Steam có khả năng xóa bỏ rào cản giữa lý thuyết và thực tế.
- Môi trường học tập theo mô hình STEAM được thiết kế cực kỳ thoải mái và năng động để trẻ có cơ hội phát huy trí tưởng tượng phong phú cùng khả năng sáng tạo của mình.
- Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn trẻ để trẻ tự do khám phá và phát huy năng lực của bản thân. Đồng thời trong quá trình làm việc nhóm trẻ sẽ hình thành tính tự lập, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề gặp phải.
- Giáo dục STEAM tập trung vào việc dạy trẻ hiểu về cơ chế hoạt động của sự vật hiện tượng để có thể ứng dụng vào trong cuộc sống. Đặc điểm này hoàn toàn khác giáo dục truyền thống chỉ chú trọng hướng đến kiểm tra học thuộc những khái niệm, lý thuyết mà không hề biết cách ứng dụng.
3. Lợi ích của phương pháp giáo dục STEAM cho trẻ
Dạy học theo phương pháp STEAM mang lại nhiều lợi ích cho trẻ bao gồm:
3.1 Phát triển các kỹ năng cần thiết
Phương pháp giáo dục STEAM là sự kết hợp của 5 lĩnh vực công nghệ, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Vì vậy khi trẻ được giáo dục theo phương pháp này sẽ có thể tiếp cận nhiều kiến thức đa dạng từ nhiều môn học giúp rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết như:
- Kỹ năng hợp tác làm việc nhóm: Chương trình giáo dục STEAM thường xuyên xây dựng các bài học để trẻ có cơ hội làm việc nhóm cùng với bạn bè. Trẻ sẽ cùng nhau thể hiện suy nghĩ, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình từ đó tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề đặt ra. Sau những lần tương tác cùng bạn bè trẻ sẽ hình thành và phát triển kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn.
- Kỹ năng đặt vấn đề: Đối với mỗi tình huống hoặc dự án nào giáo viên cũng sẽ đưa ra yêu cầu đặt ra vấn đề cần giải quyết cho trẻ trước khi bắt đầu tìm câu trả lời. Nhờ vậy trẻ sẽ có thể tự nâng cao được kỹ năng phân tích, đặt vấn đề đưa ra nhận định và dự đoán kết quả.
- Kỹ năng truy vấn: Mô hình STEAM sẽ giúp trẻ rèn luyện và phát triển kỹ năng truy vấn, tư duy phản biện để đặt ra các giả thuyết, đặt câu hỏi và tìm ra đáp án cùng với cách giải quyết vấn đề cho những tình huống gặp phải.
- Kỹ năng quan sát: Đây cũng là một trong những kỹ năng quan trọng mà giáo dục STEAM sẽ mang lại cho trẻ. Trong quá trình học tập và xử lý tình huống đòi hỏi trẻ phải có khả năng quan sát nhạy bén và nhanh nhẹn để tìm ra bản chất sự vật, hiện tượng.
3.2 Truyền cảm hứng học tập
Không giống với giáo dục truyền thống trẻ bị thụ động hoàn toàn tiếp thu kiến thức 1 chiều từ giáo viên khiến trẻ thấy nhàm chán. Chương trình đào tạo trong phương pháp STEAM cho phép trẻ được tự do tìm tòi, khám phá và lựa chọn những chủ đề, đề tài phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân. Vì được làm những điều mình yêu thích trẻ sẽ thấy hứng thú và hào hứng với việc học tập tiếp thu kiến thức.
Truyền cảm hứng học tập cho trẻ yêu thích với việc học
3.3 Khơi gợi khả năng sáng tạo
Một lợi ích mà phương pháp giáo dục STEAM mang lại cho trẻ mầm non đó là khơi gợi khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú. Giáo dục STEAM không đặt nặng vấn đề lý thuyết mà chú trọng tạo môi trường học tập vui vẻ để trẻ có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng. Trẻ chủ động trong việc học tập tìm hiểu kiến thức, nâng cao tư duy logic và khả năng xử lý tình huống.
4. So sánh phương pháp Steam và Reggio Emilia
Phương pháp STEAM và Reggio Emilia đều là những phương pháp giáo dục trẻ mầm non đang được áp dụng phổ biến tại nhiều trường mầm non trên khắp thế giới. Vậy 2 phương pháp này có điểm gì giống và khác nhau mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo bảng so sánh sau đây:
|
Phương pháp STEAM |
Phương pháp Reggio Emilia |
Giống nhau |
+ Cả 2 phương pháp này đều lấy học sinh là trung tâm và mọi hoạt động giáo dục đều nhằm mục tiêu giúp trẻ phát triển tư duy, khả năng sáng tạo cùng với những kỹ năng cần thiết.
+ Giáo viên trong cả 2 phương pháp đều giữ vai trò là người hướng dẫn trẻ.
+ Chương trình học được thiết kế phù hợp với năng lực của lứa tuổi mầm non tạo cơ hội cho trẻ phát triển năng lực, tiềm năng bản thân.
|
Khác nhau |
+ Giáo dục STEAM chú trọng vào thực hành mà không đặt nặng lý thuyết. Trong quá trình học trẻ được khuyến khích và tạo điều kiện thực hành, trải nghiệm thực tế, ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề.
+ Mô hình STEAM là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực giúp trẻ có thể tiếp thu và lĩnh hội kiến thức toàn diện.
|
+ Phương pháp Reggio Emilia xây dựng chương trình học dựa trên việc thấu hiểu nhu cầu của trẻ. Trẻ có quyền tự chủ động trong việc học tập và khám phá thế giới xung quanh.
+ Trẻ tham gia các hoạt động học tập một cách tự nguyện, tự giác và tích cực. Giáo dục Reggio Emilia sẽ khuyến khích trẻ tự đặt câu hỏi và tìm tòi để khám phá môi trường xung quanh.
|
5. Đánh giá ưu và nhược điểm của dạy học theo phương pháp STEAM
Ưu điểm:
Phương pháp STEAM khơi gợi hứng thú, phát triển khả năng sáng tạo của trẻ
+ Dạy học theo phương pháp STEAM giúp khơi gợi và kích thích khả năng sáng tạo của trẻ mầm non.
+ Tạo cơ hội để trẻ rèn luyện và phát triển những kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây đều là những kỹ năng cần thiết và hữu ích cho nghề nghiệp sau này của trẻ giúp trẻ có một tương lai tươi sáng.
+ Tạo hứng thú và lòng đam mê với việc học cho trẻ từ đó xây dựng tính chủ động trong việc học tập ngay từ độ tuổi mầm non.
+ Tạo môi trường học tập thoải mái giúp trẻ tự lập từ sớm và giảm tải những áp lực về điểm số trong quá trình học để trẻ luôn hào hứng khi tiếp thu tri thức.
Nhược điểm
+ Mô hình giáo dục STEAM không có tiêu chuẩn rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể học sinh nên học tập những gì hoặc yêu cầu giáo viên cần có trình độ như thế nào,….
+ Trẻ bắt đầu phương pháp giáo dục STEAM quá muộn nên hiệu quả mang lại không được như kỳ vọng.
+ Nhiều trường còn chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho mô hình giáo dục STEAM.
6. Kết luận
Với những thông tin vừa được chia sẻ trong bài viết mong rằng đã giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về phương pháp STEAM và giải đáp được những băn khoăn của mình về phương pháp này. Giáo dục STEAM là phương pháp khơi gợi khả năng sáng tạo niềm đam mê học tập để mang đến cho trẻ nền tảng tư duy vững chắc ngay từ độ tuổi mầm non.