Trẻ em tựa “búp măng non” luôn cần sự nâng niu và bao bọc của người lớn. Tuy nhiên, khi ngày một lớn lên, những chồi non này rồi cũng phải tự mình làm quen với nhiều yếu tố bên ngoài mà không phải thời điểm nào cũng có bố mẹ ở bên. Lúc này, bố mẹ cần phải dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân để giữ an toàn tốt nhất cho mình. Cùng tìm hiểu 7 kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non và các nguyên tắc cần thiết để dạy trẻ hiệu quả hơn.
1. Kỹ năng bảo vệ bản thân là gì?
Kỹ năng bảo vệ bản thân là mức độ hiểu biết của một cá nhân về sự vật, sự việc, đối tượng xung quanh nhằm đưa ra phán đoán và hành động phù hợp để giúp bảo vệ an toàn cho bản thân. Do đó, việc dạy kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non là vô cùng cần thiết. Khi được hướng dẫn kỹ năng này, trẻ sẽ biết cách tránh xa các mối nguy hiểm và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
2. Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non
Cùng với sự phát triển của xã hội, cuộc sống con người ngày càng có thêm nhiều tiện ích và sự thoải mái. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Vậy bố mẹ cần dạy những kỹ năng tự bảo vệ bản thân nào cho trẻ trước những nguy cơ này?
2.1. Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể
Theo thống kê của Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 4.000 trẻ bị xâm hại từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021. Điều này cho thấy tại Việt Nam, việc dạy kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cơ thể cho trẻ vẫn còn nhiều thiếu sót và chưa được chú trọng. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Vì thế, bố mẹ cần phải dạy cho bé những kiến thức về bảo vệ bản thân và cách phòng tránh khi bị xâm hại. Bố mẹ nên dùng những từ ngữ, cách thức đơn giản để dạy cho con, từ đó giúp con hiểu hành động xâm hại là như thế nào và những việc con cần làm trong trường hợp bị xâm hại.
2.2. Kỹ năng an toàn khi tự chơi cho trẻ
Không phải lúc nào người lớn cũng đều có thời gian để ở bên con mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, bố mẹ và thầy cô nên dạy kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ khi con chơi một mình. Trong quá trình chơi, trẻ có thể gặp phải nhiều mối nguy hiểm từ đồ vật như ổ điện, phích nước, bếp điện từ, cầu thang, các đồ vật nhỏ… hay các yếu tố khác như thời tiết, côn trùng độc hại… Bố mẹ cần giúp trẻ phân biệt đâu là đồ vật an toàn và đâu là không an toàn để trẻ ý thức và chủ động tránh xa các mối nguy hiểm.
2.3. Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông
Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non trở lên, việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông là rất cần thiết. Bởi ở giai đoạn này, nhiều trẻ đã tự đi đến trường hoặc tham gia giao thông dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Vậy nên, bố mẹ cần giúp bé nhận biết được một số kiến thức cơ bản về biển báo giao thông, đèn giao thông, cách đi qua đường, ngã ba, ngã tư…
2.4. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước người lạ
Ở độ tuổi mầm non, trẻ có tâm lý “mềm mỏng” dễ bị dụ dỗ bởi các đối tượng lạ mặt bằng đồ chơi, món ăn yêu thích. Chính vì thế, bố mẹ cần dạy con các kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước người lạ. Bố mẹ nên có những bài kiểm tra nhỏ thử thách trẻ trước nhiều tình huống. Từ đó, người dạy có thể đưa ra những biện pháp giúp trẻ từ chối lời mời của người lạ, cách xử lý trong từng trường hợp. Ngoài ra, bố mẹ nên phân tích kỹ để con hiểu rằng vì sao lại cần đến kỹ năng này.
2.5. Kỹ năng ứng xử khi bị lạc cho trẻ mầm non
Vào những dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ, bố mẹ thường đưa bé đến các điểm giải trí như công viên, trung tâm thương mại, siêu thị… Tuy nhiên, ở những địa điểm này thường xuyên xảy ra các trường hợp trẻ bị lạc do quá đông người. Vì thế, bố mẹ cần giúp trẻ có những kiến thức cơ bản xử lý khi bị lạc như: Gọi sự trợ giúp của ai? Nếu có người lạ muốn dắt con đi phải làm sao?… Bố mẹ nên dạy cho bé học thuộc tên, ghi nhớ số điện thoại người thân, địa chỉ nhà. Đặc biệt, khi trẻ bị lạc thường có tâm lý hoảng loạn nên cách tốt nhất là bố mẹ nên cho trẻ mang thẻ có chứa thông tin liên lạc của người lớn khi đưa trẻ đến nơi đông người.
2.6. Kỹ năng bảo vệ bản thân khi gặp hoả hoạn
Để đề phòng cho mọi trường hợp, bố mẹ nên hướng dẫn con các cách xử lý đơn giản và bảo vệ bản thân khi xảy ra trường hợp có hỏa hoạn. Bố mẹ có thể bắt đầu với việc tạo ra tình huống giả định ngay tại nhà, cùng trẻ thực hành các kỹ năng như dùng khăn ướt bịt mũi, đi theo lối thoát hiểm… để giúp trẻ ghi nhớ một cách tốt nhất. Việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp hỏa hoạn là rất cần thiết, giúp trẻ thoát khỏi nguy hiểm trong các trường hợp khẩn cấp.
2.7. Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ
Ở độ tuổi mầm non, trẻ chưa có khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ tốt như người lớn. Vì vậy, bố mẹ cần dạy trẻ kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người xung quanh khi một mình. Để trẻ học được kỹ năng này, bố mẹ nên giả định những trường hợp xấu xảy ra: đi lạc, kẻ xấu xâm hại… Sau đó, người dạy hãy hướng dẫn trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách có hành vi chống cự, la lớn, kêu gọi sự chú ý… và tìm sự giúp đỡ từ người đáng tin cậy như công an, chú bảo vệ…
3. Các nguyên tắc khi dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Để dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, bố mẹ và thầy cô cần nắm rõ các nguyên tắc sau đây:
- Thường xuyên trao đổi và trò chuyện với trẻ: Điều này giúp kéo gần khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, tạo dựng niềm tin. Đây cũng là tiền đề giúp bố mẹ nắm rõ được các vấn đề mà con đang gặp phải.
- Nên giải thích vấn đề rõ ràng khi trẻ phạm sai lầm: Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ thường có xu hướng quát mắng không nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến vấn đề. Thay vì vậy, bố mẹ nên đặt mình vào tình huống của trẻ, để hiểu và tìm cách giải quyết hợp lý nhất.
- Tạo thói quen tốt để trẻ hiểu về nguyên nhân và kết quả: Giai đoạn mầm non, trẻ thường thích thể hiện bản thân, tư duy bắt đầu phát triển mạnh hơn. Chính vì vậy, bố mẹ cần dạy con biết nguyên tắc này càng sớm càng tốt. Từ đó, trẻ sẽ có nhận thức tốt hơn trước khi hành động.
- Cùng đóng kịch để trẻ hiểu rõ hơn tình huống thực tế. Theo các nhà khoa học, trẻ chỉ hiểu được 10% những thông tin nghe được, 40% những gì trẻ nhìn, 60% những gì trẻ thường xuyên nói và 90% những gì trẻ vừa nói vừa làm. Chính vì thế, hãy cùng trẻ học hết những tình huống bảo vệ bản thân thực tế.
- Đưa ra nguyên tắc được phép – không được phép, an toàn – không an toàn: Đây là một trong những yêu tắc đơn giản cha mẹ cần dạy con. Để thực hiện, bố mẹ cần làm gương cho trẻ noi theo. Với mỗi nguyên tắc, bố mẹ sẽ có những mức thưởng – phạt rõ ràng nhằm tạo niềm tin trong trẻ và giải thích rõ ràng với con cái vì sao cần làm vậy.