Phương pháp dạy học tích cực đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều trường học ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy và học tập nhờ thúc đẩy sự sáng tạo, tính chủ động, sự tích cực… của học sinh.
1. Phương pháp dạy học tích cực là gì?
Phương pháp dạy học tích cực là một phương pháp dạy học mà ở đó giáo viên sẽ đưa ra những gợi ý mang tính gợi mở để các em học sinh thảo luận và tự đưa ra kết luận cuối cùng. Phương pháp này giúp phát huy khả năng sáng tạo, sự chủ động và tính tích cực của người học.
Phương pháp dạy học này yêu cầu giáo viên phải là người có trình độ chuyên môn cao, kiến thức đủ sâu, bản lĩnh và phải thật sự tận tâm, nhiệt thành trong công việc.
2. Các phương pháp dạy học tích cực được vận dụng hiện nay
Hiện nay, các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới đã đưa ra rất nhiều phương pháp dạy học tích cực nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức và phát triển năng lực cá nhân một cách toàn diện. Dưới đây là một số phương pháp dạy học tích cực mà các thầy cô giáo có thể tham khảo để tiết học được đa dạng, thú vị và hiệu quả hơn.
2.1. Phương pháp dạy học tích cực theo nhóm
Dạy học tích cực theo nhóm là phương pháp được các chuyên gia giáo dục đánh giá cao. Với phương pháp này, học sinh có thể phát huy được tính chủ động, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, phát triển năng lực cộng tác và năng lực giao tiếp.
Cách thực hiện:
- Giáo viên sẽ giới thiệu về chủ đề cần thảo luận
- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ chung và tiến hành chia nhóm
- Học sinh cùng thảo luận nhóm
- Báo cáo cho giáo viên kết quả thảo luận
- Giáo viên nhận xét, đánh giá về kết quả
- Giáo viên có thể chia nhóm theo chữ cái đầu trong tên của học sinh, số thứ tự trong danh sách, theo sở thích…
2.2. Phương pháp trò chơi
Phương pháp dạy học bằng trò chơi là phương pháp tổ chức cho học sinh tìm hiểu một vấn đề thông qua các trò chơi có nội dung liên quan.
Cách thức tiến hành:
- Giáo viên tiến hành phổ biến tên, quy tắc và nội dung của trò chơi cho học sinh
- Học sinh thực hiện chơi thử
- Thảo luận, đánh giá và đưa ra bài học, ý nghĩa sau khi trò chơi kết thúc
2.3. Phương pháp dạy học tích cực theo dự án
Ở phương pháp dạy học tích cực theo dự án, học sinh cần phải thực hiện một nhiệm vụ học tập gắn liền với thực tế cuộc sống.
Cách thực hiện:
Bước 1. Lập kế hoạch cho dự án
- Xác định đúng chủ đề của dự án
- Lên kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn của dự án
Bước 2. Tiến hành dự án
- Thu thập thông tin, dữ liệu
- Thực hiện điều tra và cùng các thành viên trong nhóm thảo luận
Bước 3. Đưa ra kết luận
- Tổng hợp lại tất cả các kết quả
- Lập kế hoạch và tiến hành trình bày kết quả thu được
- Tiến hành phản ánh kết quả trong khi học tập
2.4. Phương pháp đóng vai
Dạy học qua phương pháp đóng vai là phương pháp mà người học sẽ tiến hành diễn thử một số cách ứng xử có liên quan đến tình huống giáo viên đưa ra.
Các bước thực hiện như sau:
- Giáo viên chọn chủ đề, tiến hành chia nhóm, đưa ra tình huống cụ thể và các yêu cầu cần thiết như thời gian, phân vai… cho từng nhóm
- Các nhóm tiến hành thảo luận, trao đổi về nhiệm vụ được giao
- Mỗi nhóm sẽ lần lượt diễn phân vai theo đúng thứ tự
- Cuối cùng, giáo viên sẽ đánh giá, đưa ra kết luận để học sinh biết và nắm được đâu là cách ứng xử phù hợp với tình huống được đưa ra
2.5. Phương pháp giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề là một trong số các phương án dạy học mới nhằm kích thích tính chủ động, tự giải quyết vấn đề của học sinh. Khi dạy học bằng phương pháp này, giáo viên sẽ đưa ra vấn đề về nhận thức có sự mâu thuẫn với nhau. Từ đó, hướng học sinh tự biện luận và tìm ra phương án giải quyết.
Cách thức tiến hành:
- Xác định đúng vấn đề cần phải giải quyết
- Thu thập các thông tin và dữ liệu có liên quan
- Liệt kê các phương án có thể để giải quyết vấn đề đưa ra
- Tiến hành phân tích, đánh giá mức độ khả quan của từng giải pháp