Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề cần được quan tâm vì ngày càng có nhiều tác nhân độc hại được phát hiện trong thực phẩm. Mặt khác, môi trường dịch vụ ăn uống, nhất là các quán ven đường, vỉa hè, gánh hàng dong cũng chứa đựng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 được diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Thực hiện Tháng hành động vì ATTP, Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với mục tiêu:
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Đối với người tiêu dùng cần
Hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong đảm bảo ATTP; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi, vi phạm an ninh, ATTP.
Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm ATTP. lựa chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, còn hạn sử dụng.
Từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình cần thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng sau:
1. Chọn thực phẩm tươi sạch.
2. Thực hiện ăn chín uống chín, rửa sạch rau quả tươi.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong.
4. Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín.
5. Đun kỹ lại thức ăn thừa của bữa trước, trước khi dùng.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Rửa sạch tay bằng nước sạch trước khi cầm vào thực phẩm.
8. Giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng, khô ráo.
9. Không ăn, sử dụng các thức ăn nghi ôi thiu, mốc, hỏng.
10. Chế biến thực phẩm bằng nước sạch.
Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc, chỉ đạo từ các cấp, các ban, ngành chính quyền địa phương phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trong phòng, chống ngộ độc thực phẩm; không sử dụng bột ngô mốc, nấm, rau rừng làm thức ăn; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng; thực hiện ăn chín uống chín; lựa chọn các thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.