Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì ngay từ khi sinh ra, trẻ nhỏ đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận và học tập một số ngôn ngữ mới. Tùy vào môi trường sinh hoạt và cách giáo dục, định hướng của mỗi gia đình mà trẻ nhỏ sẽ được học hỏi thêm một hoặc nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Quá trình để học tập và thành thạo một ngôn ngữ mới cần phải có thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, mỗi đứa trẻ cũng sẽ có sự riêng biệt về tốc độ tiếp thu cũng như một số cột mốc quan trọng để phát triển tốt về ngôn ngữ.
Thường thì trẻ nhỏ sẽ gặp phải một số sự trở ngại, cản trở trong quá trình đó, đặc biệt là đối với các âm tiết, từ ngữ hoặc việc dùng cấu trúc câu chính xác. Tuy nhiên, hầu hết trẻ khoảng 5 tuổi đã bắt đầu thành thạo và sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục.
Tuy nhiên, những trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ sẽ khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói với những người xung quanh. Đây được xem là một dạng di chứng não, nguyên nhân chủ yếu là do sự suy yếu của vùng não bộ đang nắm giữ vai trò chức năng ngôn ngữ.
Tình trạng này thường xuất hiện khi cơ thể đang mắc phải một số bệnh lý hoặc gặp những tổn thương khó phục hồi ở não bộ, điều này khiến người bệnh gặp phải nhiều khó khăn trong việc trao đổi và tiếp nhận thông tin bằng lời nói. Rối loạn ngôn ngữ có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ nhưng phổ biến nhất là những trẻ dưới khoảng 5 tuổi. Trẻ có thể nói ngọng, khó nói, khó diễn đạt, trình bày về ý muốn của mình, không hiểu và tiếp nhận tốt lời nói của người khác,…
Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Hầu hết những đứa trẻ từ khi mới sinh ra đã có khả năng phát triển ngôn ngữ. Để có thể phục vụ tốt cho quá trình phát triển và tiếp nhận một ngôn ngữ mới thì trẻ phải cần có đủ khả năng nghe, nhìn, hiểu và ghi nhớ. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ cũng cần phải đảm bảo tốt khả năng thể chất để có thể hình thành được lời nói.
Thông thường thì những đứa trẻ từ 2 đến 3 tháng tuổi sẽ bắt đầu giao tiếp tốt với bố mẹ, trẻ dần phát ra những âm thanh họng líu lo. Trẻ từ 7 đến 9 tháng tuổi sẽ dần bập bè bắt đầu nói những từ đơn giản như ma ma, ba ba,…Khi bước với khoảng từ 12 đến 15 tháng tuổi thì trẻ sẽ bắt đầu nói được rõ hơn, dùng tốt những từ đơn giản.
Tuy nhiên, dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, có từ 3 đến 5% các trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, trẻ không có khả năng tiếp thu ngôn ngữ hoặc bày tỏ ngôn ngữ của bản thân, thậm chí có trẻ gặp phải cả hai vấn đề này khi đã lên 4. Theo như đánh giá và nhận định của các bác sĩ chuyên khoa thì tình trạng này thường sẽ xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau.
Dưới đây là một số yếu tố thường gặp có thể khiến nhiều trẻ bị rối loạn ngôn ngữ:
1. Do các bệnh thực thể
Các bệnh thực thể, điển hình như hở hàm ếch là một trong các lý do thường gặp khiến cho nhiều trẻ em gặp phải khó khăn trong việc dùng và tiếp nhận ngôn ngữ. Những đứa trẻ bị hở hàm ếch thường sẽ có một khe nứt rộng nằm ở phần giữa hai bờ môi, điều này làm cản trở đến việc di chuyển của không khí đi qua phần cổ họng, mũi và miệng.
Bên cạnh đó, tình trạng phanh lưỡi/ thắng lưỡi ngắn hơn so với mức bình thường cũng chính là một trong những lý do gây trở ngại đối với việc cử động của đầu lưỡi, từ đó làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đối với khả năng phát âm của trẻ nhỏ. Hơn thế, một số vấn đề về sức khỏe thần kinh, chẳng hạn như loạn dưỡng cơ, bại não, chấn thương ở não cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến một số cơ cần thiết phục vụ cho việc nói.
2. Bệnh lý vận động, xử lý âm thanh
Theo nghiên cứu và số liệu thực tế nhận thấy rằng, nhiều tình trạng bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là do một số rắc rối hình thành tại các vùng não có nhiệm vụ quan trọng đối với khả năng nói, chẳng hạn như bệnh loạn vận động, tức là tình trạng bị mất phối hợp giữa các động tác trong việc sử dụng lời nói.
Bên cạnh đó, rối loạn ngôn ngữ còn có thể xuất phát từ việc lưỡi, môi, hàm không thực hiện được tốt chức năng tạo ra một số từ ngữ nhất định. Ngoài ra, tình trạng rối loạn xử lý âm thanh hay còn được hiểu đơn giản đó chính là việc mất khả năng hiểu âm thanh được phát ra từ lời nói. Điều này làm cho nhiều trẻ nhỏ bị rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển về ngôn ngữ so với những bạn bè cùng trang lứa.
3. Tình trạng chậm phát triển
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ có thể liên quan đến một số vấn đề chậm phát triển khác. Tuy rằng mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng phát triển và tốc độ tiếp nhận ngôn ngữ riêng biệt nhưng nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có sự phát triển ngôn ngữ hơn so với vận động hoặc nhận thức của trẻ chậm hơn so với các đứa trẻ khác cùng trang lứa thì cũng cần phải quan tâm.
Tình trạng rối loạn ngôn ngữ có liên quan đến quá trình chậm phát triển có khả năng bao gồm việc trẻ nói rất ít hoặc thậm chí là hoàn toàn không nói. Trẻ có thể hiểu được những gì người khác nói và truyền đạt hoặc nhại lại những lời người khác vừa nói nhưng không kèm theo biểu cảm hoặc bất kì ngữ điệu nào.
4. Bệnh lý về thính giác, viêm tai giữa
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì trẻ nhỏ gặp phải một số vấn đề khó khăn về thính giác cũng có nhiều khả năng dẫn đến tình trạng bị rối loạn ngôn ngữ. Những đứa trẻ bị mất hoặc suy giảm về thính giác sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc hiểu ngôn ngữ, lời nói của những người xung quanh, không thể nghe hoặc nghe không rõ những âm thanh, giọng nói phát ra từ bên ngoài.
Đối với các trường hợp này trẻ sẽ bị suy giảm về khả năng hiểu và nắm bắt được những từ ngữ, không thể nói hoặc bắt chước các từ ngữ của người khác hoặc không có khả năng phát âm đúng, nói chuyện trôi chảy như những đứa trẻ khác. Theo đó, các chuyên gia nhận thấy rằng, những đứa trẻ dưới 3 tuổi thường sẽ gặp nhiều vấn đề về viêm tai giữa. Nếu tình trạng bệnh không được sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục tốt sẽ gây ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ, điển hình là rối loạn ngôn ngữ ở trẻ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
5. Khuyết tật trí tuệ, bệnh khó học, bệnh tự kỷ
Hội chứng Fragile hay còn gọi là khuyết tật về sự phát triển và trí tuệ cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Đối với những đứa trẻ mắc phải hội chứng này thường sẽ có những biểu hiện để nhận biết như khuôn mặt bị kéo dài ra so với bình thường, cằm bị nhô ra ngoài và thường xuyên nói lắp.
Ngoài ra, chứng khó học cũng có thể làm cho nhiều đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Theo giải thích từ các chuyên gia thì do quá trình hoạt động suy yếu và thiếu hiệu quả từ não bộ làm cho trẻ nhỏ gặp phải nhiều cản trở, khó khăn trong quá trình phát ra âm thanh, lời nói, trẻ không có nhiều khả năng để sử dụng ngôn ngữ trong việc giao tiếp.
6. Yếu tố môi trường, trẻ sinh non
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ còn có thể xuất phát từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc và yêu thương từ phía gia đình, người thân. Nếu trẻ nhỏ ít khi được tiếp xúc với người thân, không được nghe những người xung quanh giao tiếp, trò chuyện thì sẽ rất khó để có thể phát triển tốt về ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, những trẻ sinh non sẽ dễ gặp phải nhiều vấn đề về phát triển, trong đó có tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Các nhà khoa học còn cho biết thêm, rối loạn ngôn ngữ còn có nhiều khả năng liên quan đến yếu tố di truyền. Trong thực tế, những đứa trẻ mắc phải chứng rối loạn này thường có nhiều khả năng gia đình có những thành viên đã từng bị khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị rối loạn ngôn ngữ
Thông thường, những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ không có quá nhiều các biểu hiện rõ rệt để nhận biết. Chỉ khi các bậc phụ huynh hoặc người thân chú ý quan sát về những biểu hiện hàng ngày của trẻ nhỏ mới có thể dần phát hiện ra những sự bất thường. Một số triệu chứng rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở trẻ như:
- Thay thế âm vị: Có nghĩa là trẻ thường xuyên thay thế các âm vị cho nhau, dùng âm vị này thay cho một âm vị khác. Ví dụ như “rồi” sẽ nói thành “gồi”, “ra” sẽ nói thành “ga”.
- Bỏ sót âm vị: Trẻ nhỏ sẽ dễ bỏ sót các âm vị ở đầu hoặc cuối của từ ngữ, chẳng hạn như nói “a” thay vì “ba”, nói “e” thay vì “mẹ”.
- Âm rung lưỡi: Đây là tình trạng mà trẻ không thể phát âm hoặc phát âm không đúng âm “s” và “r”. Ví dụ như trẻ sẽ nói cái “gổ” thay vì “rổ”, nói “gắn” thay vì “rắn”.
- Nói lắp: Đây là tình trạng thường xuyên gặp ở những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Trẻ sẽ có xu hướng cứ hay lặp đi lặp lại hoặc có thể kéo dài các âm thanh, trọng âm, từ ngữ làm cho mạch giao tiếp bị ngắn quảng hoặc kéo dài lê thê. Triệu chứng này sẽ trở nên phổ biến hơn khi trẻ trở nên kích động, mệt mỏi hoặc đứng trước các tình huống khó khăn, cản trở.
- Giọng nói bất thường: Bố mẹ cần chú ý nhiều đến giọng nói của trẻ để dễ dàng nhận biết được những sự bất ổn trong âm thanh giọng nói. Nếu trẻ có vẻ bị khàn hoặc có những sự biến đổi đột ngột về tông giọng thì nhiều khả năng trẻ đang gặp phải một số vấn đề về giọng nói, ngôn ngữ.
- Chứng mất phối hợp động tác (Apraxia): Tình trạng này là sự khiếm khuyết thần kinh tại não bộ, tức là não của trẻ nhỏ sẽ không thể đưa ra được những tín hiệu truyền đến các cơ ở vùng miệng giúp tạo ra được lời nói chuẩn xác.
Những đứa trẻ này thường sẽ không hứng thú với việc trò chuyện, giao tiếp, không thể ghi nhớ được nội dung của cuộc hội thoại dù nó vừa mới xảy ra. Bé sẽ thường không thể ghi nhớ lâu hoặc không thể nhớ tên của những đồ vật xung quanh và hay dùng từ thay thế bằng “cái này”, “cái kia”. Hoặc một số trẻ cũng có thể sử dụng từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh, những từ tối nghĩa, dùng sai từ. Trẻ không thể tập trung quá lâu nghe người khác nói chuyện, nhất là khi xung quanh xuất hiện tiếng ồn, âm thanh lớn.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ được chia làm mấy loại?
Có rất nhiều dạng rối loạn ngôn ngữ khác nhau ở trẻ em, tuy nhiên, các chuyên gia đã chia chúng thành 2 loại riêng biệt đó chính là rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận. Cụ thể như sau:
1. Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ
Những đứa trẻ này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc dùng ngôn ngữ và thể hiện những mong muốn của bản thân mình bằng lời nói. Trẻ vẫn có khả năng hiểu được những điều mà người khác truyền tải nhưng sẽ không biết cách để bài tỏ, diễn đạt được những cảm xúc, suy nghĩ, ý muốn của chính bản thân mình.
Tình trạng này không chỉ đơn thuần là những khó khăn trong quá trình phát âm mà còn có thể làm ảnh hưởng đối với ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của nhiều trẻ. Những trường hợp trẻ nhỏ gặp phải chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt sẽ gặp nhiều cản trở trong việc thể hiện suy nghĩ của mình, sử dụng ngôn ngữ trò chuyện, từ ngữ chính xác, không biết cách biểu đạt ngôn ngữ cơ thể, đặt câu hỏi hoặc gọi tên sự việc, đồ vật.
2. Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Đây là loại rối loạn ngôn ngữ khiến trẻ nhỏ gặp nhiều trở ngại trong quá trình hiểu và tiếp nhận ngôn ngữ từ những người xung quanh. Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc hiểu và nắm bắt được các ý nghĩa của những câu nói mà trẻ nghe được hoặc đọc được một nội dung nào đó. Điều này cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình học tập và các sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ.
Trong thực tế, những đứa trẻ mắc phải chứng rối loạn tiếp nhận sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác, hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ cơ thể, hiểu các khái niệm, nguyên lý, ý tưởng, hiểu những gì bản thân đọc và nghe được,…Tình trạng này cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng sớm để tránh gây ra những ảnh hưởng lớn đối với đời sống của trẻ nhỏ.
Cách khắc phục rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là vấn đề cần được quan tâm và phải có sự kết hợp điều trị của cả người nhà, thầy cô cùng với các bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ. Khi nhận thấy các dấu hiệu nhận biết nêu trên thì gia đình cần chủ động đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán, điều trị đúng cách.
Sau khi xác định rõ được tình trạng rối loạn ngôn ngữ của trẻ nhỏ thì bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia ngôn ngữ sẽ đưa ra những biện pháp khắc phục phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị có thể áp dụng cho các trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em như:
1. Kiểm tra sức khỏe
Đầu tiên, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành đánh giá tổng quát về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ nhỏ. Đồng thời cũng cần thực hiện một số đánh giá để giúp loại trừ các bệnh lý có liên quan đến khả năng ngôn ngữ của trẻ, chẳng hạn như thính giác hoặc bị suy giảm về các giác quan khác.
2. Tiến hành âm ngữ trị liệu
Đối với hầu hết các tình trạng bị rối loạn ngôn ngữ thì âm ngữ trị liệu là phương pháp được sử dụng phổ biến và cũng đem lại hiệu quả rất cao cho người bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của mỗi đứa trẻ mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ cân nhắc để áp dụng liệu pháp phù hợp nhất. Nếu có thể phát hiện và điều trị sớm thì khả năng phục hồi ngôn ngữ ở trẻ sẽ rất cao.
3. Tâm lý trị liệu
Tuy rằng đây không phải là bệnh tâm lý nhưng khi mắc phải những khó khăn về mặt giao tiếp, ngôn ngữ cũng khiến cho trẻ nhỏ cảm thấy khó chịu và ức chế về mặt tinh thần hoặc một số trẻ còn có khả năng thực hiện các hành vi nguy hiểm, vượt ngoài tầm kiểm soát. Chính vì thế, song song với việc trị liệu âm ngữ thì bố mẹ cũng nên cân nhắc đưa con đến gặp các chuyên gia tâm lý trị liệu để có thể được điều chỉnh và cân bằng cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của bản thân.
4. Chăm sóc tại nhà
Gia đình, đặc biệt là bố mẹ cần phải dành nhiều thời gian để quan tâm và đồng hành với con trong suốt quá trình cải thiện tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Các thành viên trong gia đình nên dành cho trẻ nhiều sự quan tâm, yêu thương và dành những lời động viên, khuyến khích để trẻ có thể mau chóng khắc phục được những khiếm khuyết của bản thân.
Nếu con bạn đang trong quá trình cải thiện chứng rối loạn ngôn ngữ, thì tốt nhất bạn nên:
- Kiên trì và chờ đợi câu trả lời của trẻ. Tuyệt đối đừng thúc giục hoặc bắt ép trẻ phải nhanh chóng trả lời câu hỏi mà bạn vừa mới đặt ra.
- Cố gắng tạo không gian thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhàng để trẻ giảm bớt những căng thẳng, lo lắng. Khi trò chuyện với trẻ nên ưu tiên các chủ đề mà trẻ đang quan tâm và yêu thích để kích thích trẻ nói chuyện, giao tiếp nhiều hơn.
- Khi muốn đặt câu hỏi hoặc ra yêu cầu cho trẻ, người lớn cần phải nói một cách chậm rãi, rõ ràng và chính xác.
Bên cạnh đó, gia đình cũng cần liên hệ và kết hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm của trẻ để có thể cùng nhau thảo luận, đưa ra giải pháp phù hợp cho những hoạt động của trẻ tại lớp học.
Ngăn ngừa tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chia sẻ rằng, để có thể phòng tránh và hạn chế được nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì cách tốt nhất đó chính là gia đình, phụ huynh cần phải chú ý đến môi trường sinh hoạt của trẻ từ 0 đến 3 tuổi. Giai đoạn này là lúc mà trẻ dễ dàng tiếp thu và xây dựng ngôn ngữ của riêng mình nên bố mẹ nên giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với những thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính, máy chơi game,….
Hình thức học nói nhanh nhất ở trẻ nhỏ đó chính là lắng nghe, chính vì thế bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, cùng trẻ đọc sách, khám phá những điều thú vị. Đồng thời cần phải hạn chế việc những ngôn ngữ lóng, phải phát âm chính xác để trẻ có thể dễ dàng nghe, hiểu và học được.
Để nâng cao kỹ năng nghe nói của trẻ, bố mẹ nên tăng cường đọc sách cho con, đây được xem là một trong các biện pháp hữu hiệu giúp trẻ phát triển tốt về mặt ngôn ngữ. Hãy lựa chọn những câu chuyện thú vị kèm theo những hình ảnh sinh động phù hợp với lứa tuổi để gây sự chú ý cho trẻ, đồng thời giúp trẻ học ngôn ngữ nhanh hơn. Bố mẹ cũng có thể thường xuyên hát cho con nghe những bài hát thiếu nhi với ngôn từ dễ hiểu. Âm nhạc là một công cụ vô cùng tuyệt vời để trẻ có thể học nói tốt.
Đối với các trường hợp trẻ có dấu hiệu nói lắp, khi trò chuyện cùng con, bố mẹ hãy cố gắng nhìn thẳng vào mắt con và nói chậm rãi từng từ. Điều này sẽ giúp trẻ có thể dần học hỏi theo và có thể khắc phục tốt được tình trạng nói lắp của bản thân. Đồng thời, khi trò chuyện cùng con, gia đình cũng nên tạo không khí thoải mái, vui vẻ, yên bình để tránh gây áp lực, căng thẳng cho con.
Trên đây là một số thông tin cần thiết nói về tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh có được cách nhìn nhận khách quan về hội chứng này, từ đó dễ dàng tìm ra được biện pháp khắc phục phù hợp và hiệu quả để giúp trẻ mau chóng phục hồi được khả năng ngôn ngữ của mình.